Cô giáo vật lộn thích nghi với giảng đường du học

Giỏi tiếng Anh nhưng khi sang Pháp và Australia học, Nguyễn Như Ý, hiện 30 tuổi, vẫn sốc tâm lý, mất thời gian dài mới nghe, hiểu được bài giảng.

Nguyễn Như Ý đạt IELTS 8.5, tiếng Pháp trình độ A2, hiện là giám đốc một trung tâm luyện IELTS ở TP HCM. Sau khi học Đại học RMIT tại Việt Nam, cô sang Pháp du học thạc sĩ trường Paris School of Business với học bổng Merit Grant dành cho sinh viên ưu tú năm 2012. Ý có thời gian dạy Đại học Kinh tế Tài chính TP HCM, sau đó trở lại Australia học thạc sĩ ngành Sư phạm, Đại học Monash.

Từ trải nghiệm của bản thân, Ý chia sẻ những rào cản khi du học và cách thức để vượt qua.

Rào cản ngôn ngữ và bất đồng văn hóa

Khi còn ở Việt Nam, tôi đã rất ý thức đầu tư học tiếng Anh vì hiểu được tầm quan trọng của việc giỏi ngoại ngữ, đặc biệt khi đã đề ra mục tiêu du học. Tuy nhiên, những ngày đầu sang Pháp và Australia, tôi bị sốc tâm lý.

Tiếng Anh của tôi ở Việt Nam được đánh giá tốt bao nhiêu thì sang đó chỉ dừng lại mức tạm đủ dùng cho giao tiếp thông thường. Trước khi du học, tôi cố gắng học thật tốt kỹ năng nghe, nhưng sang nước ngoài, với các giọng địa phương và ngữ điệu khác nhau của bạn bè đến từ nhiều quốc gia, tôi đã vật lộn để làm quen.

Tôi phải trau dồi khả năng nghe qua việc theo dõi tin tức trên truyền hình, nghe báo đài địa phương trên radio, luyện các video học tiếng Anh trên YouTube hoặc trang web Tedtalk nổi tiếng. Ngoài ra, việc kết bạn với bạn bè quốc tế, trò chuyện và thực hành tiếng Anh nhiều ngày, nhiều giờ đã giúp tôi không còn quá ám ảnh và tự ti khi giao tiếp cũng như trong quá trình học ở trường nữa.

Một mẹo nhỏ là các bạn nên đăng ký vào các câu lạc bộ ở trường phổ thông hay đại học mình đang theo học. Bạn bè ở câu lạc bộ thường không ngại hỗ trợ cho bạn mới và khi chia sẻ cùng một sở thích chung nào đó, mối quan hệ dễ dàng khăng khít. Ngoài vốn tiếng Anh được cải thiện, bạn còn có thêm những người bạn. Khi còn ở Australia, tôi từng tham gia câu lạc bộ hùng biện của trường, nhờ đó khả năng thuyết trình trước lớp của tôi tiến bộ trông thấy.

Tôi có nhiều trải nghiệm trong thời gian học lớp quản trị doanh nghiệp ở Australia. Với những học phần có nhiều sinh viên châu Á, giáo viên sẽ giảng bài khá chậm và slide cũng được chuẩn bị kỹ, rõ ràng và cụ thể để chúng tôi có thể hiểu bài tốt. Nhưng môn quản trị doanh nghiệp lại khác. Lớp này khá ít bạn châu Á, chủ yếu là sinh viên bản địa. Tôi bị “ngợp” khi học bài trên lớp hay tham gia thảo luận nhóm vì giáo viên và các bạn nói nhanh, sử dụng nhiều idioms (thành ngữ) tôi không được học trong chương trình phổ thông.

Nhưng nhờ luyện IELTS nhiều từ trước, tôi không quá khó khăn để nắm bắt các idioms hay hiểu lối nói chuyện, diễn đạt của các bạn Australia. Nếu đang chuẩn bị du học, bạn cần kiên trì học theo đúng phương pháp thì IELTS chắc chắn là giấy thông hành đưa bạn ra thế giới.

Thích nghi với phương pháp học tập mới

Môi trường và phương pháp học tập tại nước ngoài rất khác biệt so với Việt Nam. Nhiều bạn lầm tưởng học đại học ở nước ngoài dễ thở và nhàn hạ. Thực tế, các giáo sư, giáo viên nước ngoài đề cao tính tự nghiên cứu, viết bài luận phân tích vấn đề và bày tỏ quan điểm cá nhân. Bạn sẽ thất vọng và nản chí nếu mong chờ giáo viên cầm tay chỉ việc vì họ lên giảng đường chỉ chú trọng việc chia sẻ câu chuyện và kinh nghiệm thực tế. Các bạn phải chủ động nghiên cứu, đọc sách, tài liệu, để có thể hoàn thành bài tập được giao và các kỳ thi giữa, cuối kỳ.

Kỹ năng đọc hiểu tài liệu tiếng Anh, tìm và tổng hợp thông tin cũng như kỹ năng viết một bài luận theo đúng chuẩn văn phạm, chính tả tiếng Anh là bắt buộc với tất cả sinh viên nếu muốn vượt qua các môn học. Nhiều sinh viên quốc tế khá bỡ ngỡ và không thích ứng được với mô hình học tập đòi hỏi nhiều sự chủ động, khả năng phản biện cao này. Có bạn thậm chí còn bỏ về vì không theo được.

Tôi may mắn đã học IELTS từ khá lâu nên những kỹ năng của môn Reading rèn luyện cho tôi là khả năng đọc nhanh, nắm ý chính tốt. Học tập tại nước ngoài thì việc viết luận là thường xuyên. Để viết được một bài 2.000 chữ, tôi sẽ phải đọc 20 cuốn sách, sau đó thầy cô sẽ yêu cầu tổng hợp và phân tích những gì đã đọc được từ sách và học trên lớp vào tình huống cụ thể của từng doanh nghiệp hay công ty.

Để chuẩn bị tốt nhất cho việc du học, các bạn đừng quên rèn luyện kỹ năng Reading và Writing. Ngoài ra, bạn hãy tận dụng những dịch vụ hỗ trợ tân sinh viên quốc tế của trường, đặc biệt khi đến hạn nộp bài luận hay dự án nhóm, giáo viên sẽ giới thiệu những dịch vụ trợ giảng hoàn toàn miễn phí.

Trường Monash, một trong top 8 những đại học ở Australia, nơi tôi học, có dịch vụ hướng dẫn và xem sửa bài luận, các lớp học viết tiếng Anh trang trọng và cách để nguồn tài liệu đã tham khảo theo chuẩn.

Một điểm hay về văn hóa ở nước ngoài là khi khó khăn, chỉ cần bạn chủ động xin giúp đỡ với lý do phù hợp, các giáo sư sẽ hỗ trợ hết mức có thể. Đôi lúc vì đau ốm hoặc trường hợp khẩn cấp khiến tôi không nộp bài đúng hạn, tôi chỉ cần email trình bày rõ ràng và trung thực, giáo sư sẽ vui vẻ đồng ý gia hạn ngày nộp bài cũng như đề nghị hỗ trợ thêm nếu cần.

Thêm một kỹ năng mềm tôi cho là cực kỳ cần thiết với du học sinh và cả sau này khi ra trường đó là khả năng quản lý thời gian. Thời gian đầu, điểm số của tôi không tốt vì chưa phân bổ tốt thời gian giữa việc đọc tài liệu và viết luận. Sau khi được các thầy cô sửa bài và góp ý, tôi đã cải thiện được vấn đề này và điểm số cũng lên đáng kể. Khi đã biết quản lý thời gian, tôi vừa tham gia hoạt động tại câu lạc bộ, hội sinh viên trường, vừa có thể đi chơi với bạn bè. Nhờ vậy, cuộc sống sinh viên của tôi thật vui và nhiều màu sắc.

Làm quen với cuộc sống một mình

Du học là trải nghiệm thú vị về cuộc sống, về nền văn hóa mới và khám phá khả năng cũng như giới hạn bản thân. Tuy nhiên, du học không phải là giấc mơ màu hồng chỉ có du lịch shopping. Du học có niềm vui, nỗi buồn, có sự tủi hổ, nhớ nhà. Tôi từng nhiều lần khóc vì áp lực và tâm lý tự ti, cô đơn.

Thời gian mới đặt chân đén một đất nước mới, tôi háo hức, nghĩ sẽ rất yêu đất nước này và có đủ thứ để làm tại đây, không bao giờ chán. Nhưng chỉ sau tháng đầu tiên, tôi đã muốn bỏ tất cả để về Việt Nam vì học ở trường khó quá, thời tiết và món ăn không hợp khẩu vị, nhớ ba mẹ, nhớ bạn bè…

Tôi từng trầm cảm và ý nghĩ bỏ cuộc xuất hiện trong đầu nhiều lần. Những lúc ấy, tôi phải nhắc bản thân nhớ lại lý do du học, là để không phụ lòng bố mẹ đã đầu tư cho tương lai của mình, là để trở thành một công dân toàn cầu có năng lực, để kết nạp kiến thức tân tiến, để tìm được việc đãi ngộ tốt và tương lai ổn định.

Tôi cũng được tiếp thêm sức mạnh rất nhiều từ những lời động viên của ba mẹ và bạn bè. Việc mở rộng quan hệ xã hội với các bạn đồng hương cũng như quốc tế đã giúp tôi cảm thấy hòa nhập cuộc sống xa xứ ở nước ngoài tốt hơn. Qua các hoạt động ngoại khóa hoặc từ thiện cho cộng đồng này, kỹ năng làm việc nhóm, lãnh đạo, quản lý thời gian của tôi cũng tăng đáng kể.

Hãy cố gắng vì tương lai phía trước là điều tôi luôn dặn dò bản thân trong suốt quá trình du học.

BÌNH MINH ghi