Hướng dẫn nhập cảnh và cách ly cho du học sinh Canada

Anh Nguyễn Đăng Anh Thi, định cư Canada bằng con đường du học, chia sẻ thông tin mới nhất giúp du học sinh không bỡ ngỡ khi nhập học nước này vào mùa thu.

Thời gian qua, các chính sách về hạn chế đi lại tại Canada được chính phủ ban hành và cập nhật liên tục tùy theo diễn biến dịch bệnh và tình hình tiêm vaccine phòng Covid-19. Đến ngày 19/7, đã có 69,6% dân số Canada được tiêm ít nhất một liều vaccine và 50% dân số đã hoàn tất tiêm chủng. Số ca nhiễm trung bình 2 tuần qua là 158 người/triệu dân, giảm đến 95% so với đỉnh dịch ba tháng trước. Ngày 18/7, tổng số ca nhiễm mới của cả nước chỉ còn 303.

Các hạn chế về Covid-19 đang dần được dỡ bỏ, cuộc sống tại Canada sôi động trở lại và chính phủ các tỉnh bang đang hy vọng có thể mở cửa hoàn toàn trường học vào tháng 9 tới.

Vì những kết quả khả quan đó, chính phủ Canada từng bước điều chỉnh chính sách nhập cảnh theo hướng ngày càng thông thoáng hơn, tạo thuận lợi hơn cho những người thuộc diện được phép nhập cảnh.

Kể từ ngày 9/8, Canada dỡ bỏ yêu cầu cách ly 3 ngày tại khách sạn

Ngày 19/7, Chính phủ Canada thông báo sẽ dỡ bỏ yêu cầu cách ly bắt buộc 3 ngày tại khách sạn cho mọi hành khách được phép nhập cảnh, có hiệu lực từ 12:01 sáng, giờ Ottawa ngày 9/8.

Yêu cầu cách ly bắt buộc 3 ngày tại một trong những khách sạn thuộc danh sách được phê duyệt đã được áp dụng từ ngày 22/2 đến nay như một giải pháp ngăn ngừa du khách nhập cảnh nhiễm nCoV. Du học sinh dưới 18 tuổi đi một mình hoặc đi với người đã tiêm đủ vaccine thì không cần cách ly bắt buộc 3 ngày tại khách sạn.

Điều đó có nghĩa là du học sinh nhập cảnh Canada từ 12:01 sáng giờ Ottawa ngày 9/8, sẽ chỉ phải cách ly 14 ngày tại nơi lưu trú của mình. Do sự thay đổi này, những ai lỡ đặt và thanh toán chi phí khách sạn trước đó nên liên lạc trực tiếp với khách sạn để đề nghị hoàn tiền (refund).

Về nguyên tắc, theo yêu cầu của Chính phủ Canada, phòng khách sạn để cách ly 3 ngày là loại không hoàn tiền. Tuy nhiên, thay đổi này đến từ chính phủ và ngoài tầm kiểm soát của khách thuê phòng nên đề nghị hoàn tiền có lý do chính đáng. Hơn nữa, trước đây khi chính phủ dỡ bỏ yêu cầu cách ly 3 ngày tại khách sạn đối với những người đã tiêm đủ vaccine, có hiệu lực từ ngày 5/7, việc hoàn tiền đã được đề cập đến.

Từ ngày 9/8, có thêm 5 sân bay được đón khách quốc tế đến Canada, gồm: Halifax, Quebec City, Ottawa, Edmonton và Winnipeg. Hiện, chỉ có 4 sân bay được đón khách quốc tế gồm: Vancouver, Toronto, Montreal và Calgary.

Cũng theo thông báo ngày 19/7, Chính phủ Canada bắt đầu áp dụng hộ chiếu vaccine cho du khách Mỹ từ ngày 9/8 và cho công dân các nước khác từ ngày 7/9. Theo quy định, người tiêm đủ vacccine được hiểu là người đã tiêm 2 liều AstraZeneca, Pfizer hoặc Moderna, hay một liều Johnson & Johnson ít nhất 14 ngày trước khi đến Canada. Tất cả những loại vaccine khác như Sinopharm, Sinovac, Sputnik V… đều chưa được thừa nhận tại Canada.

Điều kiện chung để du học sinh được nhập cảnh vào Canada

Du học sinh phải thỏa mãn 2 điều kiện. Thứ nhất là sở hữu giấy phép học tập (study permit) đang có hiệu lực, dành cho du học sinh quay trở lại Canada; hoặc có thư phê duyệt giấy phép học tập (letter of approval) dành cho du học sinh lần đầu đến Canada. Thứ hai là theo học tại một trong những cơ sở đào tạo thuộc danh mục tổ chức học tập được chỉ định (Designated Learning Institutions, viết tắt DLIs) và có kế hoạch phòng ngừa Covid-19 được phê duyệt (Covid-19 readiness plan).

Hiện nay, chỉ trừ Yukon, Navanut và Northwest Territories là chưa tiếp nhận học sinh bậc phổ thông, với học sinh bậc sau trung học (post-secondary), hầu hết trường có mã số DLI đều được phê duyệt kế hoạch phòng ngừa Covid-19 để đón du học sinh. Tuy vậy, du học sinh cần liên lạc với trường để xác nhận hoặc kiểm tra trên website của IRCC về DLI và kế hoạch phòng ngừa Covid-19 của trường.

Ngoài ra, yêu cầu quan trọng nhất của Canada trong thời dịch là người đang dương tính với nCoV thì không được lên máy bay đến Canada. Thành viên gia đình trực hệ của du học sinh cũng có thể đi cùng đến Canada nếu chứng minh được chuyến đi là cần thiết, ví dụ để hỗ trợ ổn định cuộc sống tại Canada. Trường hợp này, thành viên gia đình trực hệ bao gồm vợ hoặc chồng và con cái của du học sinh. Nếu du học sinh dưới 18 tuổi, cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp có thể đi cùng.

Các bước nhập cảnh và cách ly

Đây là các bước nhập cảnh và cách ly với du học sinh chưa tiêm đủ vaccine Covid-19 và đến Canada trước ngày 9/8.

Bước 1: Chuẩn bị giấy tờ

1. Giấy tờ liên quan đến việc du học: Du học sinh lần đầu đến nhập học cần in ra và mang theo thư thông báo trúng tuyển của trường, biên lai đóng học phí, thư phê duyệt giấy phép học tập (study permit approval letter), kế hoạch học tập (study plan), chứng minh chỗ ở (hợp đồng thuê nhà/ký túc xá), sao kê tài khoản ngân hàng hoặc thẻ tín dụng.

Du học sinh quay trở lại Canada trình giấy phép học tập bản gốc và visa có hiệu lực, bảng điểm học kỳ gần nhất, xác nhận đăng ký kỳ học tới (enrollment letter), cùng với chứng minh chỗ ở, tài chính. Lưu ý bạn cần mua mới hoặc gia hạn bảo hiểm y tế bắt buộc theo hướng dẫn của trường.

Nếu đi cùng người thân, du học sinh nên mang theo giấy tờ chứng minh quan hệ như giấy đăng ký kết hôn, giấy khai sinh (dịch sang tiếng Anh).

2. Xác nhận đặt vé máy bay.

3. Xác nhận đặt khách sạn để cách ly bắt buộc 3 ngày.

4. Kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 tại Việt Nam: Đăng ký xét nghiệm RT-PCR tại những cơ sở được Bộ Y tế Việt Nam phê duyệt trong vòng 72 giờ trước giờ bay. Giấy xét nghiệm phải được xuất trình khi nhập cảnh và lưu giữ ít nhất 14 ngày sau nhập cảnh. Trẻ em đi cùng dưới 5 tuổi thì được miễn xét nghiệm Covid-19.

5. Tải ứng dụng ArriveCAN về điện thoại để kê khai thông tin, làm cơ sở để cơ quan chức năng Canada quản lý người nhập cảnh. Việc kê khai cũng thực hiện trong vòng 72 giờ trước giờ bay. Nếu du học sinh đi cùng thành viên gia đình, thực hiện kê khai chung cho cả đoàn nhưng tối đa 8 người. Bạn cần in biên nhận kê khai hoặc chụp lại biên nhận để xuất trình khi nhập cảnh. Đây là yêu cầu rất quan trọng, du học sinh không xuất trình được biên nhận kê khai ArriveCAN có thể bị từ chối nhập cảnh và bị phạt.

6. Đăng ký xét nghiệm Covid-19 khi nhập cảnh tại sân bay đến (arrival test): Để việc nhập cảnh được nhanh chóng, du học sinh nên đăng ký xét nghiệm tại sân bay đến. Hiện có 4 nhà cung cấp dịch vụ xét nghiệm khác nhau tại 4 sân bay, gồm LifeLabs tại Vancouver, Switch Health tại Toronto, Biron Groupe Santé tại Montreal và của chính quyền Alberta tại Calgary. Xét nghiệm này là miễn phí cho mọi du khách đến Canada qua 4 sân bay trên.

Tất cả giấy tờ du học sinh cần mang theo trong hành lý xách tay lên máy bay. Ngoài ra, bạn cũng cần chuẩn bị sẵn cách thức mua sắm nhu yếu phẩm trong thời gian cách ly 14 ngày, ví dụ tải ứng dụng và tạo tài khoản mua hàng qua mạng như UberEats, DoorDash, SkiptheDishes…

Sau khi hoàn thành các bước trên, du học sinh ra sân bay để bay đi Canada. Lưu ý, do việc cách ly xã hội đang áp dụng nhiều nơi tại Việt Nam, du học sinh nên có kế hoạch ra sân bay sớm để phòng những trục trặc có thể xảy ra trên đường do việc tăng cường kiểm soát dịch thời gian gần đây.

Do việc đi lại thời dịch rất khó khăn, phải di chuyển nhiều, du học sinh nên đóng gói hành lý gọn nhẹ. Thứ không thể thiếu là khẩu trang, nên chuẩn bị ít nhất 10 cái loại có thể tái sử dụng để mang trong suốt hành trình cho đến chặng cuối của hành trình.

Bước 2: Nhập cảnh Canada

Tại sân bay đến, du học sinh cần tuân theo hướng dẫn của sân bay, trình giấy tờ đã chuẩn bị cho nhân viên an ninh cửa khẩu (CBSA officer) để nhập cảnh. Nếu là du học sinh lần đầu đến du học Canada, bạn cần báo cho nhân viên an ninh để họ hướng dẫn bạn sang khu vực lấy giấy phép học tập (study permit). Tại đó, các nhân viên di trú có thể phỏng vấn bạn về mục đích chuyến đi, chương trình học, nơi ở tại Canada… Bạn cần trả lời một cách trung thực, rõ ràng và tự tin.

Xong thủ tục nhập cảnh, nhận giấy phép học tập (du học sinh mới) và nhận hành lý, bước tiếp theo là đến khu vực xét nghiệm Covid-19 trước khi rời sân bay. Lưu ý, đây là một yêu cầu bắt buộc, rất quan trọng và không nên bỏ lỡ. Đã có trường hợp nhập cảnh, lấy hành lý xong và đi thẳng về khách sạn mà không qua xét nghiệm Covid-19 nên gặp rất nhiều rắc rối.

Tại sân bay Vancouver, nhà cung cấp dịch vụ xét nghiệm là Lifelabs, với tên dịch vụ là FlyClear. Du học sinh đến khu vực FlyClear, liên hệ với nhân viên ở đó để được lấy mẫu xét nghiệm. Lifelabs cũng cung cấp bộ kit xét nghiệm để bạn tự lấy mẫu trong ngày thứ 8 sau khi đến Canada.

Đừng ngại hỏi nhân viên của sân bay, nhân viên dịch vụ xét nghiệm hay những người xung quanh bất kỳ vấn đề gì mà bạn chưa rõ, họ sẽ nhiệt tình giúp đỡ.

Sau khi lấy mẫu, bạn ra xe để về khách sạn cách ly và chờ kết quả xét nghiệm. Lưu ý, du khách nhập cảnh Canada không được sử dụng phương tiện công cộng, gồm tàu điện, xe bus để đến nơi cách ly. Bạn có thể đi xe của khách sạn, taxi, thuê xe tự lái, xe chia sẻ (Uber, Lyft…) hay nhờ người quen đón về khách sạn.

Bước 3: Cách ly 14 ngày

Du học sinh đến khách sạn, làm thủ tục nhận phòng và bắt đầu quá trình cách ly 14 ngày. Sau khi nhận phòng, bạn đăng nhập vào ArriveCan để xác nhận bạn đã đến Canada. Sử dụng ArriveCAN để đánh giá triệu chứng Covid-19 hàng ngày, hỗ trợ cơ quan y tế phòng dịch và truy vết tiếp xúc.

Kết quả xét nghiệm tại sân bay khi đến sẽ được gửi về qua email hay tin nhắn trong 48 tiếng. Sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính, bạn có thể trả phòng để di chuyển về nơi ở sớm hơn và tiếp tục những ngày cách ly còn lại mà không nhất thiết phải ở cho hết 3 đêm. Trong lúc di chuyển đến những nơi cách ly, bạn nhớ luôn đeo khẩu trang và hạn chế ra khỏi xe.

Vào ngày thứ 8, du học sinh cần thực hiện tự lấy mẫu và gửi mẫu đến phòng thí nghiệm theo hướng dẫn được cung cấp lúc lấy mẫu xét nghiệm tại sân bay đến.

Trong thời gian cách ly, du học sinh có thể nhận điện thoại từ số 1-888-336-7735 của Chính phủ Canada kiểm tra việc tuân thủ yêu cầu cách ly. Cảnh sát cũng có thể đến kiểm tra đột xuất việc cách ly của bạn.

Tại Canada, hành vi vi phạm quy định cách ly có thể bị phạt tù đến 6 tháng và/hoặc bị phạt đến 750,000 đôla. Trường hợp vi phạm quy định cách ly và gây tử vong hoặc thương tích, bệnh tật cho người khác, mức phạt tù lên đến 3 năm và phạt tiền đến một triệu đôla. Cảnh sát có quyền ghi giấy phạt đến 5.000 đôla nếu phát hiện vi phạm như không thực hiện xét nghiệm khi đến sân bay, không lấy mẫu xét nghiệm ngày thứ 8, tự ý rời khỏi nơi cách ly…

Những du học sinh đã tiêm đủ vaccine ít nhất 14 ngày trước khi nhập cảnh Canada được miễn hoàn toàn yêu cầu cách ly và lấy mẫu ngày thứ 8 sau nhập cảnh. Tuy vậy, những người này vẫn phải thực hiện xét nghiệm trong 72 tiếng trước giờ bay và có kết quả âm tính, cũng như phải thực hiện xét nghiệm tại sân bay đến.

Lưu ý, để có những thông tin cập nhật và chính xác nhất về những quy định nhập cảnh và cách ly, người đọc cần tham khảo trên travel.gc.ca/travel.covid của Chính phủ Canada.

Tiêm vaccine sau khi hoàn thành cách ly

Sau khi có kết quả âm tính, hoàn thành cách ly 14 ngày, ngoài các công việc để chuẩn bị nhập học và ổn định cuộc sống tại Canada như đăng ký số SIN (Social Insurance Number), làm căn cước, mở tài khoản ngân hàng…, du học sinh cần đăng ký tiêm vaccine.

Tại Canada, tất cả mọi người đều được tiêm vaccine miễn phí. Do vậy, du học sinh có thể lên website của tỉnh bang mình cư trú để lấy thông tin đăng ký tiêm vaccine càng sớm càng tốt nhằm bảo vệ mình.

Nguyễn Đăng Anh Thi

09/08/2022

‘Ba điều tôi ước đã làm trước khi du học’

 

Trần Ngân An, du học sinh tại Canada. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Du học Canada từ năm 19 tuổi, Ngân An có nhiều trải nghiệm khác xa những gì tưởng tượng, nên đã rút ra ba điều mà du học sinh cần biết trước khi ra nước ngoài.

Trần Ngân An, 25 tuổi, Hà Nội, là cựu sinh viên ngành Du lịch và Quản trị khách sạn của Đại học Royal Roads (Canada). Sang Canada từ cuối tháng 12/2016, Ngân An gặp không ít khó khăn. Từ trải nghiệm cá nhân, Ngân An chia sẻ những điều cần lưu ý trước khi đặt chân lên hành trình du học.

Nghiên cứu điểm đến

Không chỉ là chọn trường nào, xếp hạng bao nhiêu, bạn còn cần nghiên cứu kỹ vùng đất mà bạn sẽ tới, cả về vị trí, thời tiết, sự đa dạng văn hóa, chất lượng và nhịp độ cuộc sống.Trường Royal Roads nằm tại đảo Victoria, tỉnh British Columbia. Nơi đây ngoài những thuận lợi về mặt thời tiết, cảnh quan đẹp và người dân thân thiện thì việc ít phương tiện công cộng và chi phí cuộc sống đắt đỏ cũng là một trở ngại lớn. Tuy nhiên, trước khi du học, tôi không hề tìm hiểu kỹ điều này và đã rất bất ngờ khi đến nơi. Do Victoria là một hòn đảo, mọi thứ bao gồm nhiên và nguyên liệu đều phải chuyển ra đây. Việc này khiến giá thành các mặt hàng thiết yếu đều cao hơn. Một kg gạo trong đất liền khoảng 2,7 CAD (đơn vị tiền tệ của Canada, khoảng 45.000 đồng) nhưng tại đảo hơn 3 CAD. Chênh lệch giữa 2,7 và 3 không nhiều, nhưng cộng dồn mọi thứ phải chi tiêu hàng ngày, tôi phải bỏ ra một số tiền đáng kể. Ngoài giá nhu yếu phẩm, thời tiết và khí hậu ôn hòa tại Victoria cũng góp phần làm tăng nhu cầu mua nhà của người dân từ khu vực khác, muốn chuyển tới đây sống. Vì vậy, giá mua và thuê nhà ở thành phố này tăng mạnh. Trước kia, với 800 CAD mỗi tháng, bạn có thể thuê một ngôi nhà khá ổn với đầy đủ công năng, nhưng chi phí hiện tại khoảng 1.200-1.800 CAD (gấp hơn hai lần). Hầu hết sinh viên chọn ở ghép để chia tiền thuê nhà với bạn cùng phòng. Chỉ những ai có công việc và thu nhập ổn định, thuộc mức khá mới có thể thuê một mình. Tôi cũng theo quy trình này, ở cùng bạn hồi sinh viên và khi tự chủ tài chính mới có thể thuê nhà.

Tìm hiểu kỹ ngành và trường

Với mỗi du học sinh, chọn trường hay ngành là một bước bắt buộc, thậm chí cần lên chiến lược và tìm hiểu cụ thể. Bạn cần nghiên cứu kỹ càng về ngành và trường đại học, đồng thời cân nhắc các yếu tố như điểm mạnh – yếu của trường, môi trường có gì hợp và không hợp, những hoạt động ở đó hướng tới gì… Tiếp đó, bạn cũng cần trả lời các câu hỏi ngành học của mình sẽ gồm những môn gì, kỹ năng mà khóa học hướng tới liệu có phù hợp và mình cần hay không. Đại học Royal Roads (RRU) – điểm đến du học của tôi – là trường công lập hàng đầu tại Canada, giành nhiều giải thưởng và đứng vị trí cao trong các bảng xếp hạng học thuật, chất lượng giáo dục. Tôi học ngành Du lịch và Quản trị khách sạn tại Royal Roads và hiện đã tốt nghiệp.Với tôi, đây là ngành học khá thú vị, phù hợp với năng lực bản thân. Tuy nhiên, tại thời điểm du học, tôi không tìm hiểu kỹ về chương trình nên đã rất bất ngờ khi phải học một số môn, theo tôi, là không liên quan và không thực sự cần thiết. Chẳng hạn Kiểm toán – môn đặc trưng của nhóm kinh tế và một số môn tôi thấy quá khô khan và không thực tiễn, khiến việc thực hành gặp khó khăn.Còn về Royal Roads, hoạt động tại đây đa dạng, nhiều câu lạc bộ và sự kiện tình nguyện nhưng tôi cho rằng trường hơi thiếu sự đa dạng văn hóa. Trường tôi nhiều sinh viên châu Á (đông nhất là Trung Quốc) nên các bạn từ nơi khác đến khá ít, thậm chí với một số quốc gia, chỉ một sinh viên học tại Royal Roads. Những rắc rối và bất tiện phía trên có thể không thực sự lớn, nhưng thời điểm du học, tôi cũng đã mất một thời gian để làm quen và vượt qua được những điều “không giống như mình tưởng tượng”. Do đó, tôi nghĩ nếu có sự chuẩn bị tốt hơn, tôi sẽ không phải trải qua những cú sốc nhẹ không đáng có. Việc tìm hiểu kỹ và trường sẽ du học còn giúp bạn định hướng rõ hơn về tương lai, nghề nghiệp của mình, giảm khả năng chọn sai ngành, nghề.

Trau dồi kỹ năng tự lập

DIY (Do it – yourself) là thuật ngữ dùng để mô tả hành động hoặc sản phẩm được thực hiện mà không có sự trợ giúp của chuyên gia, nôm na là “tự làm”. Khi ở Việt Nam, tôi vẫn nghĩ về DIY là các món đồ lưu niệm và hiếm khi tự tay làm sản phẩm gì. Tôi nghĩ chúng rất mất thời gian và phức tạp, thậm chí tránh luôn việc mua đồ DIY vì tôi rất vụng về trong việc xử lý những chi tiết nhỏ. Nhưng cuộc sống du học đã khiến tôi trở nên tự lập. Như đã đề cập, vì ở đảo nên chi phí mua sắm mọi thứ cũng đắt đỏ. Mỗi khi có thể, người dân tại đây, thay vì chỉ tự làm các món đồ lưu niệm, mà còn cả những đồ gia dụng. Từ đó, tôi cũng thử thách bản thân trong nhiều dự án DIY. Trong lần đầu tiên làm đồ DIY, tôi và bạn cùng phòng nhận làm một chiếc cũi trẻ em cho một người bạn. Lúc đó, do chưa có nhiều kinh nghiệm, chúng tôi đọc nhầm hướng dẫn và tạo ra một chiếc bàn kỳ quái. Không thể tự giải quyết, tôi và bạn cùng phòng phải tìm đến sự giúp đỡ của hàng xóm. Lúc đó, tôi thực sự đã ước mình chịu khó trau dồi kỹ năng tự lập nhiều hơn khi còn ở Việt Nam. Không chỉ gồm biết nấu ăn hay chăm sóc bản thân, tôi nghĩ kỹ năng tự lập còn việc bạn có thể tự làm hoặc sửa chữa các món đồ trong nhà (ở mức độ đơn giản). Trái ngược với suy nghĩ của nhiều người (trong đó có tôi trước kia) rằng đồ DIY thường không bền, những món đồ tôi mua và tự làm khi du học đều rất tốt. Cửa hàng cũng gửi kèm hướng dẫn chi tiết nên bạn sẽ không gặp quá nhiều khó khăn. Thêm vào đó, làm đồ DIY cũng là cách tuyệt vời để bạn và mọi người xung quanh kết nối với nhau. Khi đã dần quen và thành thục sử dụng một số dụng cụ DIY, tôi thấy mình có kỹ năng tự lập tốt hơn, không còn hốt hoảng hay quá lo lắng khi các đồ dùng trong nhà bị hỏng. DIY cũng trở thành sở thích của tôi mỗi khi rảnh rỗi. Tôi thấy DIY thực sự là cách tuyệt vời để bạn rèn luyện tính khéo léo, kiên nhẫn, sáng tạo và tiết kiệm chi phí.
Ngân Hà