Du học Pháp

Học phí, chi phí thuê nhà ở Pháp tương đối thấp so với phần còn lại của châu Âu, chưa kể nước này có nhiều khoản giảm giá cho sinh viên.

1. Học phí

Hầu hết cơ sở giáo dục đại học ở Pháp được tài trợ bởi nhà nước, do đó sinh viên thường chỉ phải đóng góp một khoản phí nhỏ tùy thuộc vào bậc học.

Các trường đại học công lập ở Pháp tính phí trung bình 170 euro mỗi năm cho chương trình cử nhân, 243 euro cho thạc sĩ, 380 euro cho tiến sĩ và 611 euro để theo học một trường kỹ thuật.

Đối với sinh viên quốc tế bậc đại học, học phí sẽ là 2.770 euro mỗi năm, nghiên cứu sau đại học là 3.770 euro.

Để theo học tại một trong những trường đại học tư thục có chọn lọc cao của Pháp, sinh viên có thể trả 500- 600 euro mỗi năm, một số trường học phí lên đến 10.000 euro (258 triệu đồng).

2. Chi phí chỗ ở

Chỗ ở tại Pháp nhìn chung rẻ hơn nhiều nước châu Âu khác, nhưng cũng phụ thuộc vào từng thành phố. Sinh viên có một vài lựa chọn như ký túc xá sinh viên, ở chung căn hộ hay homestay (ở nhà của người bản xứ).

Giá thuê trung bình một căn hộ studio (cho một hoặc hai người) là 575 euro mỗi tháng, 660 euro cho căn hộ một phòng ngủ, 200-800 euro cho homestay (tùy thuộc vào địa điểm và đã bao gồm ít nhất một bữa ăn mỗi ngày).

Các trường đại học ở Pháp cung cấp chỗ ở có tên cités-U với giá rẻ (một số chỉ khoảng 120 euro mỗi tháng) và chúng được quản lý bởi Trung tâm phục vụ sự nghiệp đại học và giáo dục phổ thông khu vực (CROUS). Do giá rẻ, nhu cầu sinh viên ở đây rất cao và các trường sẽ lựa chọn sinh viên vào ở dựa trên các tiêu chí xã hội hoặc dành cho sinh viên theo diện trao đổi, học bổng.

Ngoài ra, một số tổ chức tư nhân cung cấp các khu nhà ở cho sinh viên như Résidences Estudines, CLEF và ADELE.

Sinh viên có thể nộp đơn xin trợ cấp từ Quỹ hỗ trợ gia đình (Caisse d’Allocation Familiale – CAF) địa phương để nhận một khoản hỗ trợ tiền thuê nhà. Có thể không phải lúc nào bạn cũng đủ điều kiện được nhận nhưng cứ đăng ký vì không mất phí và nếu được chấp nhận, bạn có thể nhận lại tới 35% tiền thuê nhà hàng tháng.

3. Các chi phí thiết yếu khác

Ngân quỹ dành cho điện, gas, Internet trung bình hàng tháng là 60 euro và chi phí kết nối Internet trung bình 25 euro mỗi tháng, phân chia cho những người thuê nhà.

Sách và các tài liệu học tập khác có thể 50-100 euro/tháng. Nộp tiền vào quỹ tương hỗ bảo hiểm y tế rất được khuyến khích và phí là 20-50 euro/tháng, tùy thuộc loại bảo hiểm.

Hóa đơn điện thoại hàng tháng trung bình 25 euro nhưng một số giao dịch trực tuyến chỉ là 10 euro mỗi tháng.

Một lít xăng khoảng 1,65 euro và thẻ đi phương tiện công cộng theo tháng khoảng 70 euro. Cho thuê xe đạp một chặng phổ biến ở nhiều thành phố của Pháp. Sinh viên có thể thuê xe đạp thông qua hệ thống Vélib. Còn chi phí trung bình cho một hành trình khứ hồi trên TGV (tàu tốc hành) đến một thành phố khác là 25 euro, khi đặt trước.

Luôn luôn đáng để nghiên cứu các lựa chọn thẻ đi lại dành cho sinh viên, chẳng hạn ở Paris, Carte Imagine R không giới hạn dành cho sinh viên là 38 euro mỗi tháng, rẻ hơn 32 euro so với những người không phải sinh viên.

4. Chi phí sinh hoạt không bắt buộc tùy theo lối sống

Chi phí mua sắm trung bình 60-250 euro/tháng. Một bữa ăn ở Pháp trung bình 12 euro và vé xem phim thường là 9 euro, dù luôn có giá vé rẻ hơn cho sinh viên – khoảng 6 euro.

Một chiếc Big Mac (hamburger) giá 8 euro với một vại bia 5 euro. Chi phí thành viên phòng tập thể dục trung bình hàng tháng là 37 euro.

Hầu hết sinh viên nên dành ra 600-800 euro/tháng để trang trải cho ăn uống, đi lại và nhà ở, tại thành phố lớn như Paris thì phải dành nhiều hơn một chút.

Theo luật của Pháp, bất kỳ sinh viên nước ngoài nào muốn học tập tại quốc gia này phải chứng minh được họ có đủ nguồn lực tài chính: 615 euro mỗi tháng hoặc 7.318 euro mỗi năm, để tự trang trải cuộc sống mà không cần phải làm việc. Con số này chỉ là ước tính. Thực tế, một số khu vực cần mức cao hơn, chẳng hạn ở Paris phải 1.100 euro/tháng.

Tuy nhiên, nếu lập ngân sách cẩn thận, một sinh viên có thể sống với 600 euro/tháng. Một điều tuyệt vời cho sinh viên là hệ thống nhà ăn của trường đại học phục vụ các bữa ăn giá chỉ 3 euro.

Pháp được biết đến là một trong những quốc gia giảm giá tốt nhất cho sinh viên nên việc giảm giá luôn là điều đáng hỏi, cho dù bạn đang ở nhà hàng, cửa hàng quần áo, phòng trưng bày hay bảo tàng. Nhiều phòng trưng bày và bảo tàng hoàn toàn miễn phí cho người dưới 26 tuổi.

Dương Tâm (Theo THE)

Nên mang gì khi du học Pháp?

Ngoài giấy tờ cá nhân và thuốc, các du học sinh Việt Nam tại Pháp gợi ý có thể mang nồi cơm điện, gói gia vị, kính mắt dự phòng và quà tặng truyền thống của Việt Nam.

Hàng năm, Pháp có hai kỳ nhập học là tháng 9 và tháng 2. Sau khi được cấp visa, các du học sinh sẽ chuẩn bị hành trang lên đường nhưng phần lớn băn khoăn nên mang gì theo. Theo chia sẻ của các du học sinh Việt Nam tại Diễn đàn Du học Pháp do Campus France Vietnam, bộ phận chuyên trách du học của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, phối hợp Hội sinh viên Việt Nam tại Pháp (UEVF) tổ chức hôm 28/7/2022, đồ dùng mang theo tùy thuộc vào sự cần thiết của mỗi người và không có gì là bắt buộc.

Dương Thị Mai Lan, Tổng thư ký UEVF, cho biết, ngoài những giấy tờ cá nhân cần thiết, em không quên mang theo nồi cơm điện trong hành lý đến Pháp năm 2015. Mai Lan tốt nghiệp ngành Kỹ sư môi trường, Đại học ENSIACET Toulouse, thành phố Toulouse, và hiện là kỹ sư thạc sĩ môi trường của Viện Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp. 7 năm sinh sống và làm việc tại đây nhưng cô gái quê Vũng Tàu vẫn luôn gắn bó với nồi cơm điện.

Cựu sinh viên cho hay người Pháp chủ yếu ăn bánh mì, các loại mì; cũng ăn cơm nhưng cách nấu khác Việt Nam. Trong khi đó, người Việt có thói quen ăn cơm hàng ngày nên thời gian đầu mới sang, nồi cơm điện giúp em có những bữa ăn đúng vị quê nhà. Mai Lan có thể mua được nồi ở Pháp nhưng thấy khó dùng và cảm giác nấu không ngon bằng nồi mang từ nhà. Các siêu thị bán cơm nhập khẩu từ Ấn Độ, song Mai Lan chỉ quen ăn cơm nấu bằng nồi cơm điện.

Nồi cơm điện cũng là đồ vật không thể thiếu của Mai Bá Dương khi du học tại Đại học Lille, thành phố Lille, năm 2019. Cựu sinh viên Đại học Xây dựng cho hay, mua nồi cơm điện ở Lille khi đó khó hơn ở Paris.

Dương cho hay, một số thành phố nhỏ có thể khó kiếm nhưng các thành phố lớn ở Pháp hiện có đủ hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam nên các bạn không nhất thiết mang nồi hay gạo nếu hành lý đã đủ cân. Các loại gạo của Việt Nam cũng được bán tại siêu thị và nên mua số lượng nhiều, 10-20 kg, một lần để được giá tốt.

Dương quen ăn đồ mẹ nấu nên khi đi học xa nhà, em mang theo món mẹ làm. Ngày Dương sang Pháp, bố mẹ chuẩn bị cho em 2-3 kg ruốc và vài gói mì. Hai món này đã giúp em chống đói những ngày đầu khi chưa thể đi chợ hay nấu cơm.

Để nấu được những món ăn quen thuộc, các du học sinh gợi ý chuẩn bị gói gia vị sẵn như thịt kho, cá kho, canh chua, gói gia vị ướp lẩu hoặc tương ớt, bột canh, hạt nêm… Khi đã dần quen với cuộc sống mới, các bạn có thể đi chợ mua đồ và nấu với gói gia vị mang theo.

Bên cạnh đồ ăn, du học sinh được khuyên sắp sẵn một số loại thuốc thông thường như thuốc đau đầu, cảm cúm, hạ sốt, đau bụng, dị ứng hay urgo trong hành lý. Những bạn có bệnh nền đặc biệt lưu ý mang thuốc của mình. Ở Pháp, với những thuốc đặc trị như thuốc dạ dày, tiêu hóa, bạn cần được bác sĩ kê đơn mới mua được.

Các bạn mang nhiều một chút vì mới sang chưa quen khí hậu, đặc biệt mùa đông. Bạn có bệnh nền có thể cầm theo đơn thuốc của bác sĩ có bản dịch để dễ mua thuốc hơn“, Mai Lan lưu ý thêm.

Với những bạn đeo kính, mang theo đơn cắt kính hoặc 1-2 cặp kính dự phòng là cần thiết. Trong trường hợp phải thay sẽ có sẵn, không mất công và tốn thời gian chờ đợi làm thủ tục mua. Ngoài ra, du học sinh cũng cần có các đồ dùng như dao cạo, sản phẩm vệ sinh răng miệng (với những bạn niềng răng) và ổ cắm đa năng do ổ cắm tại Pháp thiết kế khá đặc biệt.

Không chỉ những đồ dùng thiết yếu, khi ra nước ngoài du học, du học sinh được khuyên chuẩn bị một vài món quà tặng vì mua đồ truyền thống của Việt Nam ở Pháp khó và đắt. Món quà giúp các bạn làm quen với bạn mới, là lời chào với các thầy cô hay thể hiện sự nhiệt thành với chủ nhà. Sau quá trình học hay làm việc, món quà nhỏ như một lời cảm ơn, thể hiện tình cảm và gây ấn tượng tốt về sinh viên Việt Nam.

Lần đó, em cũng có chút quà quê hương tặng ông bà chủ nhà. Họ rất nhiệt tình, ra đón em tận ga tàu và vui khi nhận được quà từ Việt Nam“, Dương kể.

Để không chuẩn bị thiếu đồ, Dương khuyên các bạn nên vào diễn đàn, hội sinh viên Việt Nam tại thành phố mình tới học tham khảo và xin lời khuyên từ các anh chị đi trước.

Thứ ba, 16/8/2022

4 THỦ TỤC DU HỌC SINH ĐẾN PHÁP CẦN LÀM

Sau khi đến Pháp, du học sinh phải đăng ký thuê bao di động để mở tài khoản ngân hàng, nhập học và làm thẻ cư trú cùng các giấy tờ liên quan.

Tháng 9 và tháng 2 hàng năm là hai kỳ nhập học ở Pháp. Tại Diễn đàn Du học Pháp tổ chức mới đây, các du học sinh trong Hội sinh viên Việt Nam ở Pháp (UEVF) lưu ý một số thủ tục và giấy tờ với các tân sinh viên.

Theo Nguyễn Thanh Tùng, cựu chủ tịch hội sinh viên Việt Nam tại Paris kiêm quyền giám đốc nhân sự Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global), đăng ký thuê bao di động là một trong những việc cần làm trước tiên giúp ổn định cuộc sống.

Nếu không làm sim, bạn khó làm thẻ ngân hàng, thẻ cư trú cùng các giấy tờ liên quan. Số điện thoại của bạn liên quan đến hầu như tất cả“, Tùng nói.

Giám đốc nhân sự của AVSE Global cho biết thêm, du học sinh cần cung cấp số điện thoại di động để nhận được thông báo hoặc được liên hệ khi cần. Có số điện thoại, du học sinh cũng dễ dàng liên lạc với bạn bè hoặc cơ quan chức năng trong trường hợp khẩn cấp.

Nguyễn Thanh Tùng (bìa phải), cựu chủ tịch hội sinh viên Việt Nam tại Paris kiêm quyền giám đốc nhân sự Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global), cùng các thành viên trong UEVF chia sẻ thông tin trong Diễn đàn du học Pháp tổ chức tại Hà Nội cuối tháng 7. Ảnh: UEVF

Hiện ở Pháp, ngoài bốn nhà mạng lớn cung cấp dịch vụ viễn thông gồm Orange, SFR, Bouygues Telecom và Free còn có những nhà mạng ảo khai thác chung mạng lưới của ba nhà mạng đầu tiên của Pháp. Có thể đăng ký sim trên website của tất cả nhà mạng hoặc trực tiếp tại điểm giao dịch. Nếu đăng ký qua website, sim sẽ được gửi về tận nhà theo địa chỉ cung cấp.

Nguyễn Xuân An, vừa tốt nghiệp đại học tại Paris, khuyên nếu có người quen ở Pháp, du học sinh có thể nhờ đặt hàng hoặc mua trước giúp để có sim dùng luôn. Sau khi có thẻ ngân hàng, chỉ cần đổi lại thông tin thanh toán trên website hoặc ứng dụng của nhà mạng.

Sim, số sẽ là ngẫu nhiên và không được chọn. Số đăng ký sẽ theo người dùng ngay cả khi chuyển nhà mạng hay các gói cước khác nhau. Các nhà mạng cũng thường có gói tin nhắn, cuộc gọi miễn phí.

Bên cạnh sim điện thoại, mở tài khoản ngân hàng cũng quan trọng không kém. Tài khoản sẽ được dùng để nhận tiền từ gia đình ở Việt Nam, nhận học bổng, tiền hỗ trợ thuê nhà, tiền bồi thường bảo hiểm…, đặc biệt để đăng ký thuê bao điện thoại trả trước, chi phí nhập học và mua sắm.

Pháp có hai loại ngân hàng phổ biến: truyền thống (LCL, BNP Paribas, Société Générale…) và số (Nickel, Fortuneo, Hello Bank, Orange Bank…). Cần có hộ chiếu, visa; giấy đăng ký ghi danh do trường cấp; chứng minh nơi ở và giấy khai sinh (dịch thuật và công chứng) để mở thẻ.

Muốn mở tài khoản ở các ngân hàng truyền thống, cần đặt hẹn và trình các giấy tờ bản gốc cần thiết theo yêu cầu. Việc rút tiền từ cây ATM, chuyển khoản giữa các ngân hàng là miễn phí đối với hầu hết nhà băng. Phí duy trì thẻ hàng tháng thường khá cao với người đi làm nhưng miễn phí với sinh viên.

Hàng năm, các chi hội sinh viên thường hợp tác với nhiều ngân hàng để giúp du học sinh mở thẻ với thủ tục đơn giản, miễn phí hoặc có thêm ưu đãi.

Ngoài ra, để chính thức trở thành sinh viên của trường theo học, du học sinh cần đăng ký nhập học. Mai Bá Dương, nghiên cứu sinh năm nhất chuyên ngành Quy hoạch đô thị tại Đại học Lille, cho hay, du học sinh chỉ cần nộp bản dịch công chứng các giấy tờ mà không phải bản gốc.

Bản dịch được thực hiện từ nhà và nên dịch ở Viện Pháp L’Espace tại Hà Nội, đặc biệt giấy khai sinh. Một số cơ quan ở Pháp không công nhận bản dịch của các văn phòng công chứng“, Dương nói.

Sau khi nộp giấy tờ yêu cầu, du học sinh sẽ đóng học phí và các phí không bắt buộc khác như phí sử dụng phòng tập, tham gia các hoạt động thể thao, phí truy cập cơ sở dữ liệu của trường…

Thủ tục cần lưu ý tiếp theo là lưu trú. Du học sinh cần xác nhận visa sinh viên VLS-TS được cấp để sang Pháp du học. Thủ tục được thực hiện trực tuyến từ ngày 18/2/2019.

Trong vòng ba tháng sau khi đến Pháp, có thể tự do đi lại ngoài lãnh thổ Pháp và rời khu vực Schengen mà không cần xác nhận VLS-TS. Sau thời gian đó, nếu vẫn chưa hoàn thành thủ tục trên, cần phải xin visa mới để quay lại Pháp.

Muốn làm thủ tục lưu trú, du học sinh nộp visa, địa chỉ thư điện tử đang hoạt động, địa chỉ chỗ ở tại Pháp và thẻ ngân hàng để thanh toán trực tuyến tiền thuế cấp thẻ lưu trú. Nếu không có thẻ ngân hàng, có thể mua tem điện tử tại quầy Tabac bằng tiền mặt.

Theo Dương Thị Mai Lan, Tổng thư ký UEVF, thẻ cư trú cần được gia hạn ba tháng trước khi giấy phép lưu trú hết hạn. Quá thời hạn này, có thể phải nộp phạt tới 180 Euro (hơn 4 triệu đồng).

Mai Lan cũng lưu ý, những sinh viên sang Pháp du học nhưng chưa đủ 18 tuổi tính đến ngày nhập cảnh Pháp cần làm thủ tục xin visa diện Mineur Scolarisé.

Việc làm thẻ ngân hàng cho những trường hợp này rất khó khăn vì phải có sự có mặt của bố mẹ để ký hợp đồng. Trong trường hợp này, sinh viên nên mang thẻ thanh toán quốc tế được bố mẹ mở tại một ngân hàng Việt Nam theo hình thức thẻ mẹ – con.

Du học sinh cần làm thẻ ngân hàng ngay sau sinh nhật 18 tuổi để đủ điều kiện khai tài khoản Ameli, từ đó nhận số bảo hiểm xã hội chính thức cũng như thẻ cư trú sau đó.

Với visa Mineur Scolarisé, sinh viên không làm thủ tục xác nhận visa khi đến Pháp mà phải liên hệ với cơ quan phụ trách thẻ cư trú ở địa phương nơi sinh sống. Trong thời gian sinh sống dưới dạng visa Mineur Scolarisé, du học sinh không được đi làm thêm.

Theo Sổ tay du học Pháp 2022 của UEVF, mọi sinh viên khi thuê nhà có hợp đồng đều có quyền xin CAF (Quỹ trợ cấp nhà ở gia đình) hỗ trợ một phần số tiền nhà ở và những bạn Mineur (vị thành niên) cũng không ngoại lệ.

Hạn chế của các bạn khi khai hồ sơ CAF là không có số bảo hiểm xã hội, đặc biệt chưa mở được tài khoản ngân hàng để điền thông tin. Tuy nhiên, du học sinh có thể đặt hẹn trực tiếp chi nhánh của CAF gần nơi ở để được hướng dẫn khai bằng hồ sơ giấy.

Bình Minh

Sun 4/9/2022

CÁC HÌNH THỨC NHÀ THUÊ CHO SINH VIÊN Ở PHÁP

Ngoài ở ký túc xá, du học sinh có thể ở ghép, ở cùng nhà với người bản địa hoặc thuê phòng studio.

Pháp có hai kỳ nhập học là tháng 9 và tháng 2 hàng năm. Ngoài thắc mắc về hành lý mang gì hay thủ tục cần làm khi tới Pháp, du học sinh cũng quan tâm tới vấn đề nhà ở.

Theo Sổ tay Du học Pháp 2022 của Hội sinh viên Việt Nam tại Pháp (UEVF), có hai hình thức thuê nhà chính cho sinh viên: Ký túc xá và thuê nhà tư nhân. Du học sinh có thể ở trong ký túc xá của trường (Crous). Khu này có thể nằm trong khuôn viên trường hoặc thành phố, cung cấp các phòng đơn đã sẵn đồ đạc với diện tích 10-12 m2 hay studio khép kín được trang bị tương đối đầy đủ. Giá thuê dao động từ 170 đến 500 euro một tháng chưa kể trợ cấp.

Đây là nơi được các sinh viên tìm đến nhiều nhất nhưng số lượng giới hạn nên bạn cần phải nộp hồ sơ đăng ký từ sớm (hạn nhận hồ sơ thường mở vào tháng 4-5 và nhanh chóng đóng cổng đăng ký). Phòng thường được ưu tiên cho các sinh viên có học bổng hoặc trong các chương trình trao đổi.

Trong trường hợp không đặt được phòng tại Crous, bạn có thể ở trong ký túc xá tư nhân tại các thành phố lớn. Tiền thuê từ 600 đến 800 euro một tháng tại Paris và 350 đến 500 euro một tháng ở các tỉnh (chưa tính trợ cấp nhà ở).

Dạng phòng ký túc xá ở thành phố Rennes có toilet nhưng không có bếp trong phòng. Ảnh: Lokaviz

Với hình thức thuê nhà tư nhân, sinh viên có các lựa chọn: collocation hay colloc (ở ghép), phòng studio hoặc nhà ở của người bản địa. Nếu ở ghép, bạn sẽ thuê một phòng ngủ trong căn hộ lớn với các không gian sinh hoạt chung. Mỗi người có một phòng ngủ riêng nhưng dùng chung nhà tắm, phòng khách, nhà vệ sinh và nhà bếp.

Trong khi đó, thuê nhà của người bản địa là bạn thuê một phòng trong nhà của họ và dùng chung phòng bếp, nhà tắm, nhà vệ sinh với chủ nhà. Đây được xem là một hình thức tốt và hợp lý cho những bạn muốn thực hành tiếng và học hỏi văn hóa Pháp. Phòng studio là bạn thuê riêng một phòng có nhà bếp, phòng ngủ, nhà vệ sinh khép kín. Hình thức này có giá đắt nhất trong ba loại nhưng đảm bảo riêng tư nhất.

Bạn có thể qua môi giới để đảm bảo an toàn, có nhà tốt và đỡ tốn công tìm kiếm nhưng giá cao hơn và mất phí. Nếu muốn tự tìm, du học sinh thông qua người quen hoặc tìm hiểu trên một số web phổ biến như leboncoin, seloger hay immojeune… rồi trực tiếp làm hợp đồng với chủ nhà.

Tại Diễn đàn Du học Pháp do Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam phối hợp Hội sinh viên Việt Nam tại Pháp (UEVF) tổ chức hồi tháng 7, các du học sinh đã chia sẻ thông tin và lưu ý thuê nhà.

7 năm sinh sống và làm việc tại Pháp, Dương Thị Mai Lan, Tổng thư ký UEVF, có nhiều kinh nghiệm đi thuê nhà. Lan tốt nghiệp ngành Kỹ sư môi trường, Đại học ENSIACET Toulouse, thành phố Toulouse, và hiện là kỹ sư thạc sĩ môi trường của Viện Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp ở thành phố Nancy. Cô gái quê Vũng Tàu từng trải qua các hình thức nhà ở, từ ký túc xá của trường, ký túc xá của thành phố, ở chung (colloc) và phòng riêng (studio).

Năm 2015 khi mới sang Pháp học dự bị kỹ sư tại thành phố Rennes, Lan ở ký túc xá của trường với giá 250 euro một tháng. Trong thời gian thực tập tại thành phố Paris và Lyon, Lan thuê colloc cùng một người bạn Việt Nam. Tùy từng thành phố, diện tích mỗi phòng dạng này 7-9 m2, với giá dao động 300-400 euro một tháng đã bao gồm các chi phí cơ bản và điện, nước.

Hiện Lan ở trong căn studio tại thành phố Nancy có diện tích 20 m2 giá 450 euro (đã bao gồm các chi phí) một tháng.

Khi thuê nhà, đặc biệt nhà tư nhân, du học sinh cần lưu ý một số từ khóa để tìm được nhà phù hợp như Meublé (nhà có sẵn bàn tủ, ghế, giường… chỉ việc tới ở) và non Meublé (chỉ có những đồ cố định như bếp, nhà vệ sinh và bạn phải tự mua các đồ dùng trong nhà).

Thuê non Meublé rẻ hơn và có thể xin được trợ cấp từ Quỹ trợ cấp nhà ở gia đình (CAF) nhiều hơn nhưng bù lại, bạn phải tốn tiền sắm đồ. Nhà non Meublé phù hợp cho các bạn có ý định thuê lâu dài.

Để thuê nhà, sinh viên cần có giấy tờ tùy thân; chứng minh tài chính hoặc giấy tờ bảo lãnh; bảo hiểm nhà ở hoặc một vài giấy tờ khác có thể không bắt buộc như thẻ học sinh, bản khai thuế…

Theo kinh nghiệm của các du học sinh, trước khi sang Pháp, bạn không nên chuyển tiền đặt cọc tiền nhà vì có khả năng sẽ mất số tiền ấy. Nguyễn Xuân An, vừa tốt nghiệp đại học và chuẩn bị học thạc sĩ tại Pháp, đã nhờ người quen tới xem nhà trước. An có người bạn tìm nhà qua web và chuyển tiền cọc 1.000 euro theo đề nghị của chủ nhà. Tuy nhiên, người bạn của An không may mất số tiền này vì gặp phải chủ nhà không tốt.

Nếu bạn không quen ai mà tự đặt nhà sẽ rất rủi ro. Tốt nhất sau khi sang, tới ngôi nhà muốn thuê, gặp chủ nhà rồi mới xử lý công việc liên quan đến tiền“, An nói.

Phòng dạng studio khép kín ở thành phố Paris có giá 400-700 euro một tháng. Ảnh: Rentyourparis

Nguyễn Thanh Tùng, cựu chủ tịch UEVF, quyền giám đốc Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global), cho hay, ký túc xá là lựa chọn tốt, an toàn và thuận tiện nhất cho những bạn mới sang. Ký túc xá ở Pháp khác với Việt Nam khi không có giường tầng, không bị giới hạn thời gian ra vào và phòng thường chỉ có hai người.

Tùng cho biết thêm, ở Pháp, sinh viên thuộc mọi quốc tịch và với tất cả loại hình thuê nhà đều có thể được hưởng trợ cấp đặc biệt của chính phủ về nhà ở CAF hoặc APL. Pháp là nước duy nhất ở châu Âu triển khai chính sách này.

Trợ cấp được tính trên cơ sở tiền thuê nhà, loại nhà thuê và khả năng tài chính của sinh viên. Tiền trợ cấp sẽ được tính theo từng trường hợp sinh viên. Thông thường, khoản hỗ trợ rơi vào khoảng 30% tiền thuê nhà. Những bạn có học bổng chính phủ hoặc đi làm thêm và khai thuế cũng sẽ được hưởng CAF nhiều hơn (tầm 45%).

Trong trường hợp thuê nhà ở chung, những người cùng thuê đều có thể nhận được CAF với điều kiện tên của họ có trên hợp đồng thuê nhà. Tiền sẽ được gửi về tài khoản của bạn hoặc chủ nhà vào tháng sau đó (ví dụ tiền nhà tháng 2 sẽ nhận được vào đầu tháng 3).

Muốn nhận được CAF, du học sinh phải thuê nhà có hợp đồng (đứng tên trên hợp đồng thuê nhà), mua bảo hiểm xã hội sinh viên, có đầy đủ giấy tờ (giấy khai sinh, thẻ cư trú, hộ chiếu với visa hợp lệ…) và một tài khoản ngân hàng tại Pháp.

Bình Minh